Tuesday, January 17, 2017

ĐI BỤI CUỐI TUẦN THIÊN ĐƯỜNG BIỂN LÝ SƠN

CÙ LAO RÉ- LÝ SƠN
          Cù lao Ré (hay còn gọi là đảo Lớn) thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang được nhiều công ty lữ hành thiết kế tour. Mỗi dịp cuối tuần, không chỉ người dân Quảng Ngãi mà nhiều du khách ngoài Bắc, trong Nam cũng ra đảo thưởng ngoạn cảnh đẹp, tắm biển và thưởng thức hải sản tươi ngon.


1. Cách đến Cù Lao Ré
Cù lao Ré cách bờ khoảng 25 cây số đường chim bay, để ra đảo phải đi bằng tàu. Từ cảng Sa Kỳ (cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 22 cây số về hướng Đông), tàu cao tốc chạy ra đảo mất chưa tới một giờ. Hàng ngày, 8 giờ sáng ở cảng Sa Kỳ có một chuyến tàu cao tốc đi ra Lý Sơn. Nhưng nếu trễ tàu cao tốc, du khách có thể đi bằng tàu gỗ - tàu chở hàng xuất bến khoảng 9 giờ sáng.
Kết quả hình ảnh cho cảng Sa Kỳ
2. Du lịch Cù Lao Ré
Trên cù lao Ré, có 3 di tích mà bất kỳ du khách nào cũng phải đến thăm là đình làng An Hải liên quan đến Hải đội Hoàng Sa ngày xưa; Âm Linh tự là nơi thờ các oan hồn, tử sĩ Hoàng Sa và Trường Sa; chùa Hang được hình thành từ một hang đá hàm ếch hình thành do sóng biển bào mòn; miệng núi lửa trên đỉnh núi Thới Lới.Chỉ bấy nhiêu điểm tham quan nhưng cù lao Ré đủ lấy thời gian của du khách 2-3 ngày.  
 
Đình An Hải

Bảo tàng

Điểm độc đáo nhất trong hành trình là ngắm bình minh trên đảo. Để ngắm và chụp ảnh bình minh, du khách phải thức dậy từ khoảng 4 giờ sáng, chạy xe máy trên những con dốc đứng, được rải nhựa phẳng lỳ, hơi khúc khuỷu. Một bên là vách núi thấp, bên kia là thung lũng và toàn cảnh đảo thu nhỏ. Du khách đến đỉnh Thới Lới - ngọn núi cao nhất trong 5 ngọn núi ở Lý Sơn. Theo câu chuyện của người dân đảo, trên đỉnh Thới Lới có lòng chảo khổng lồ với một cánh rừng nguyên sinh.  Rừng rậm rạp có mạch nước ngầm, tạo thành suối đổ ra biển. Tuy nhiên, rừng nguyên sinh hiện nay không còn. Lòng miệng núi chỉ còn trơ trọi đá và cát trông như một đấu trường La Mã. Cảnh bình minh đã tốn khá nhiều thời gian để du khách chụp ảnh thì “đấu trường” này lại buộc khách phải ngắm nghía và liên tục bấm máy với nhiều vị trí khác nhau. Đứng ở trên đỉnh Thới Lới, du khách có thể phóng tầm nhìn bao quát cù lao Ré, thậm chí cả cù lao Bé và hòn Mù Cu nằm ở phía Đông. Nhà cửa, chùa chiền, cây cối hòa quyện với nhau tạo thành bức tranh thiên nhiên sống động. Những thửa ruộng đang vào mùa tỏi hiện lên trắng toát giữa vùng cát trắng mịn màng. Từ trên cao, ruộng tỏi trông như ruộng bậc thang ở Tây Bắc với nhiều tầng bậc, sắc màu.
 
Núi Thới Lới nhìn từ xa

Hải Đăng Lý Sơn

Một địa điểm thú vị mà du khách không nên bỏ qua khi đến cù lao Ré là các bãi biển trong xanh và sạch. Du khách có thể chơi đùa với những ngọn sóng, cảm nhận cái nhoi nhói của những viên sỏi nhỏ dưới chân. Nếu mệt, du khách có thể thả mình thư giãn trên những tảng đá lớn, nghe sóng vỗ, nghe tiếng gió thổi trên những ngọn dừa. Tại đây còn có những bãi đá đen, dấu tích của dòng nham thạch trong thời gian núi lửa hoạt động đổ dung nham ra biển. Những khu này là điểm cắm trại, vui chơi lý tưởng cho khách để hòa mình vào thiên nhiên.
Đường ở Đảo bé

Biển Đảo bé

Lần ra những mảng nước biển trong vắt, khách có thể chiêm ngưỡng bức tranh đàn cá tung tăng bơi lội và những rạn san hô đầy màu sắc bằng mắt thường. Đừng quên thưởng thức những hải sản tươi roi rói vừa được bắt lên từ biển. Từ cá, tôm, các loại ốc sò... chỉ đơn giản hấp gừng hay hấp sả đều ngon đến mê người.



Nghỉ đêm tại Lý Sơn, du khách có thể được những cụ già trên đảo kể nhiều câu chuyện về người Việt trong công cuộc khai phá lập làng. Du khách sẽ có dịp tìm hiểu về Hải đội Hoàng Sa hy sinh tính mạng của mình để giữ bờ cõi của Tổ quốc trên biển. Du khách không khỏi bùi ngùi với câu chuyện: khi mỗi lần ra đi vào tháng 2 âm lịch, những người lính biết là khó trở về nhưng vẫn hăng hái ra đi. Để rồi sau đó, vào đúng ngày họ lên đường là những ngày giỗ chung cho các tử sĩ và hình thành nên lễ Khao lề Hải đội Hoàng Sa được duy trì đến ngày nay. Liên quan đến những người lính Hải đội Hoàng Sa, du khách còn được người địa phương hướng dẫn tìm đến những ngôi mộ gió. Đó là những ngôi mộ không có hài cốt người mà chỉ có những hình nộm làm bằng đất đã được thầy cúng “nhập linh”. Trong đó, có một ngôi mộ gió rất to. Đó là mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh và 24 chiến sĩ khác. Được biết, trước kia, các ngôi mộ nằm độc lập với nhau. Theo thời gian, cát bay phủ lấp gom 25 ngôi mộ thành một ngôi mộ gió to lớn.
 
Biển chùa Hang


Núi ở chùa Đục

Nhìn từ trên cao

Chùa Đục

Nếu còn thời gian, du khách đừng quên cưỡi thuyền vượt sóng thêm vài hải lý ra đến hai hòn đảo khác thuộc huyện đảo Lý Sơn: cù lao Bé và hòn Mù Cu. Hai đảo này nhỏ hơn cù lao Ré và lưu giữ nhiều dấu tích của núi lửa. Với những du khách ưa chụp ảnh, hai đảo này còn rất nhiều nơi để sáng tác những bức ảnh thiên nhiên đẹp và ấn tượng.



(Cavicu ST-TH)

0 comments:

Post a Comment