THĂM
QUÊ HƯƠNG CỦA THIÊN TÀI SHAKESSPEARE
Đó
là thành phố Stratford-upon-Avon, nơi nhà soạn kịch vĩ đại William Shakespeare
ra đời và cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của ông.
Tên thành phố có nghĩa là
Stratford trên sông Avon, gọi dài dòng như thế để không nhầm lẫn với một thành
phố khác của nước Anh cũng có tên là Stratford, nằm ở ngoại ô thủ đô
London. Stratford-upon-Avon vì gắn liền
với Shakespeare nên nổi tiếng không chỉ ở nước Anh. Hàng năm, có khoảng bốn
triệu du khách đến thăm thành phố này.
Ngôi trường của thiên tài |
Thành phố cổ
kính và thơ mộng
Stratford-upon-Avon
nằm cách thủ đô London 150km về phía Tây Bắc. Từ London, chúng tôi đi xe bus đến
đây chỉ mất khoảng hai tiếng. Rời London ồn ào
và náo nhiệt, du khách được nhìn ngắm khu vực đồng quê của quận Warwick với
những cánh đồng thẳng tắp điểm xuyết những xóm làng xinh xắn ẩn trong những rặng
cây. Xe đưa chúng tôi vào thẳng trung tâm Stratford và dừng ngay bên bờ sông
Avon.
Một chiếc cầu đá
cổ kính bắc qua sông gợi lại dĩ vãng của thời trung cổ. Trên bến, chỉ có những
chiếc thuyền gỗ và những chiếc ca-nô nhỏ để chở du khách lướt nhẹ trên sông. Vài
cụ già ngồi đọc báo trên những chiếc băng gỗ cạnh những hàng rào cũng bằng gỗ.
Đứng tại đây, có thể nhìn thấy đằng xa ở bờ phía Bắc một tòa nhà đồ sộ xây bằng
gạch đỏ, đó là Nhà hát hoàng gia Shakespeare.
Tôi thầm nghĩ
nếu không nhắc đến Shakespeare, thì chỉ riêng quang cảnh nơi đây cũng đủ làm mê
hồn du khách. Rời bờ sông Avon, chúng tôi đi vào các phố. Đường phố rất yên
tĩnh, hầu như không thấy bóng dáng ôtô chạy trên đường, chỉ có những đoàn du
khách đi lại tấp
nập.
Stratford là một
thành phố nhỏ, dân số chỉ có 20.000 người, nhưng có tuổi thọ được 800 năm. Từ
một thôn xóm thưa vắng, thành phố Stratford chính thức ra đời năm 1196. Nó vẫn
giữ lại nguyên vẹn hệ thống đường sá được vạch ra từ thời trung cổ, mà đặc điểm
là kẻ theo hình ô vuông như một bàn cờ. Đường phố ở đây đều đường ngang kẻ dọc
thẳng tắp, cho nên du khách rất khó đi lạc như ở các thành phố hiện
đại.
Stratford đúng
là một thành phố cổ không bị biến dạng vì nền công nghiệp hiện đại. Ở đây, không
có những ngôi nhà cao tầng, không có những kiến trúc tân kỳ. Hai bên đường vẫn
còn nhiều ngôi nhà được xây cất từ thời Shakespeare bên cạnh những hàng quán mới
xây sau
này.
Du khách vô cùng
thích thú khi nhìn những cửa sổ khung gỗ nhỏ nhắn xinh xinh, những mái nhà màu
đen dợn sóng, ẩn hiện trong những vườn hoa nhiều màu sắc. Một số ngôi nhà có lối
kiến trúc dát những thanh gỗ màu đen viền lên các tường màu trắng trông rất đẹp
mắt (tiếng Pháp gọi kiểu nhà này là maison à colombages, còn tiếng Anh gọi là
half - timbered house, có nghĩa là nhà một nửa bằng
gỗ).
Những ngôi nhà
của dòng tộc Shakespeare
William
Shakespeare sinh ngày 23/4/1564. Thân phụ ông là John Shakespeare, một thương
nhân buôn bán ngũ cốc, len dạ, về sau, khi đã khá giả được giữ một số chức vụ
trong thành phố và đến năm 1568 thì được cử làm thị
trưởng.
Shakespeare học
hết bậc trung học ở Stratford thì kết hôn vào năm 1582 với Anne Hathaway, con
gái một chủ nông trại và họ có với nhau tất cả ba người con. Năm 1588,
Shakespeare rời Stratford để đến thủ đô London. Tại đây ông tham gia hoạt động
kịch trường, với tư cách vừa là diễn viên, vừa là tác giả kịch bản. Ông gắn bó
với đoàn kịch có tên là Những người của Chamberlain (The Chamberlain’s
Men).
Ngôi nhà nơi ông đã được sinh ra |
Năm 1599 đánh dấu
sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển nghệ thuật sân khấu ở Anh, đó là sự
ra đời của nhà hát mang tên Địa Cầu (The Globe Theatre), vì nó có hình dáng tròn
như quả địa cầu. Từ đó, những vở kịch do Shakespeare sáng tác đều được công diễn
ở đây.
Năm 1612,
Shakespeare đột nhiên từ bỏ hoạt động sân khấu và trở về sống ở quê hương. Ông
mất vào ngày 23/4/1616, đúng vào ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 52 của ông. Thi
hài ông được chôn tại nhà thờ Holy Trinity tại thành phố Stratford, bên bờ sông
Avon.
Trong
lộ trình tham quan thành phố Stratford, trước tiên du khách được giới thiệu năm
địa chỉ quan trọng nhất được gọi là Những ngôi nhà Shakespeare (The Shakespeare
Houses), đó là những nơi cư ngụ của Shakespeare và những người thân trong gia
đình ông, tồn tại từ thế kỷ XVI cho đến ngày nay.
Đầu
tiên là nơi Shakespeare chào đời. Đây là ngôi nhà xinh xắn nằm trên phố Henley,
giờ đây đã trở thành nhà bảo tàng. Trang trí nội thất giống như thời niên thiếu
của Shakespeare. Có một số bàn ghế, vật dụng là nguyên bản từ xưa được giữ lại,
một số được phục chế. Trên tường, treo nhiều bộ quần áo cổ nhiều màu sắc (tất
nhiên là đồ phục chế). Cạnh nhà là một xưởng thủ công nhỏ, nơi phụ thân ông là
John Shakespeare sản xuất những găng tay bằng da. Đằng sau nhà là một khu vườn,
nơi trồng các loại hoa và cây cỏ được nhắc đến trong các vở kịch của
Shakespeare.
Tiếp
đó, du khách sẽ ghé Nash’s House (Ngôi nhà của Nash). Chủ nhân ngôi nhà là
Thomas Nash, một người giàu có thời bấy giờ, kết hôn với cô Elisabeth, cháu gọi
Shakespeare là ông ngoại. Ngôi nhà trở thành nhà bảo tàng với nhiều đồ trang trí
nội thất quý giá bằng gỗ còn giữ lại cho đến bây giờ, chứng tỏ mức sống cao của
gia đình.
Điều
đáng chú ý là bên cạnh nhà của Nash, có một vườn hoa khá rộng và đẹp, giữa vườn
có tấm bia ghi rõ: xưa kia đây là một ngôi nhà của Shakespeare. Ông mua nó vào
năm 1597. Khi từ giã London trở về sống ở Sratford, ông đã ở tại ngôi nhà này mà
ông đặt tên là New Place (Chỗ ở mới) và ông qua đời tại đây vào năm 1616. Ngôi
nhà bị phá hủy năm 1759 và thay vào đó là một vườn
hoa.
Hall’s
Croft (trang trại của gia đình Hall) là địa điểm thứ ba. Chủ nhân của tòa nhà
sang trọng này là con gái của Shakespeare, cô Susanna và chồng là bác sĩ John
Hall. Ông Hall là một bác sĩ nổi tiếng ở nước Anh vào thế kỷ XVII, có viết nhiều
sách về y học. Tất cả đồ nội thất như bàn ghế, tranh, thảm, các vật dụng khác
đều thuộc loại quý
giá.
Cả
ba ngôi nhà kể trên đều nằm ở trung tâm thành phố Stratford. Còn hai ngôi nhà
Anne Hathaway’s Cottage và Mary Arden’s House thì nằm ở vùng đồng quê bên ngoài
thành phố. Anne Hathaway’s Cottage (trang trại Anne Hathaway) là ngôi nhà của
gia đình bên vợ của Shakespeare, cách trung tâm thành phố 1,5km. Nét hấp dẫn của
kiến trúc là kiểu mái nhà bằng rơm trộn đất được phục chế, trông thật thơ mộng.
Chung quanh nhà là cả một khu vườn rộng vừa trồng hoa, vừa trồng cây ăn quả như
táo, lê. Ở đây còn giữ lại chiếc ghế mà chàng thanh niên William Shakespeare
thường ngồi để tán tỉnh cô nàng Anne Hathaway khi họ chưa lấy
nhau.
Bên trong trường học |
Những
di tích lịch sử khác
Năm
ngôi nhà Shakespeare là những địa điểm tham quan chính khi du khách đến
Stratford. Ngoài ra, những kỷ niệm về Shakespeare còn hiện diện ở nhiều ngôi
nhà, góc
phố.
Chúng
tôi chỉ có thể lướt qua một vài địa điểm như trường trung học nơi Shakespeare
theo học thời niên thiếu (được xây dựng từ năm 1427, nằm trên đường Nhà Thờ, bên
cạnh một dãy nhà xinh xắn theo lối kiến trúc thời Trung cổ, tường trắng viền gỗ
màu đen), khách sạn Shakespeare (Shakespeare Hotel), được xây dựng từ thế kỷ XVI
và vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu cho đến ngày nay, các phòng ngủ được lấy tên
các vở kịch của Shakespeare: Hamlet, Vua Lear, Romeo và Juliet, Giấc mộng đêm
hè, Không có gì mà ầm ĩ
thế...)
Căn phòng nơi ông đã học |
Ngoài
ra, nhà hát hoàng gia Shakespeare và nhà thờ Holy Trinity (từ thế kỷ XIV), nơi
cậu bé Shakespeare được làm lễ rửa tội năm 1564 và cũng là nơi lưu giữ thi hài
của Shakespeare
(1616)
Chúng
tôi đi thăm thành phố Stratford theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, nhưng cũng cảm nhận
được sự tôn kính đặc biệt mà người dân Anh dành cho Shakespeare ngay từ khi ông
còn sống. Và ánh sáng hào quang của Shakespeare ngày càng rạng rỡ với thời gian,
ông là nhà soạn kịch lớn nhất của nước Anh và cũng là nhà soạn kịch lớn nhất của
mọi thời
đại.
Cuối
cùng, tôi muốn ghi lại một chi tiết không dính dáng gì đến Shakespeare nhưng đối
với tôi, đó là một khám phá thú vị… Theo tài liệu hướng dẫn của công ty du lịch
địa phương, tôi đến phố High Street (Phố trên) tìm đến một ngôi nhà xinh xắn với
tấm biển Harvard House (nhà của ông Harvard) xây dựng năm 1596, tài sản của
Trường đại học Harvard (Mỹ). Thì ra đây là nơi cư ngụ của ông John Harvard (1607
- 1638), một mục sư đạo Thanh giáo của Anh, tốt nghiệp thạc sĩ môn nghệ thuật
của Trường đại học Cambridge ở Anh. Ông di cư sang Mỹ và thành lập Trường đại
học Harvard tại thành phố Cambridge, bang Massachussetts. Ngôi
trường này trở thành trường đại học có chất lượng hàng đầu ở Mỹ và trên thế
giới.
(
Cavicu ST-TH)
0 comments:
Post a Comment