Monday, November 21, 2016

ĐẢO YẾN-HÒN NỘI BÃI BIỂN CHIA ĐÔI

ĐẢO YẾN-HÒN NỘI BÃI BIỂN CHIA ĐÔI

       Gọi là đảo yến nhưng từ này không phải là tên riêng của một đảo nào mà cứ đảo nào có yến làm tổ thì gọi vậy. Nhưng trong 9 hòn đảo ở Nha Trang thì Hòn Nội và Hòn Ngoại là nơi có nhiều yến nhất. Hòn Nội là đảo nằm phía trong, còn Hòn Ngoại nằm phía ngoài. Nơi đây hội tụ những cảnh đẹp sinh thái được gìn giữ bảo quản với bãi cát trắng chạy dài, lớp lớp san hô ẩn dưới làn nước trong xanh, trời đất non nước hữu tình tự nhiên sinh động. Đây còn là nơi ẩn chứa dấu ấn lịch sử oai hùng của Tổ nghề yến sào - người có công khai phá, gìn giữ và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.

Bãi biển nhìn từ đỉnh Du Hạ
Phải thừa nhận là ngắm những hình ảnh được chụp từ trên xuống, bao quát được khung cảnh một bờ cát trắng - hai bãi tắm xanh trong nơi đây, người ta mới thấy thiên nhiên thực sự quá vi diệu! Và sự vi diệu đó đã được ban tặng cho Nha Trang, bãi tắm đôi được nhắc tới đây chính là Hòn Nội.
1. Thời gian đến nơi này:
Đảo Yến là nơi đáng để các bạn tham quan, phù hợp để tham quan từ tháng 4 đến cuối tháng 8, vì đây là mùa thời tiết khô ráo và thời gian thu hoạch tổ yến được chia làm 2 lần trong năm (tháng 3 và tháng 8). Đi vào thời gian này, các bạn sẽ được xem cách nhân viên thu hoạch tổ yến, rất thú vị.
Biển trong xanh
2. Cách đi:
- Từ cảng Cầu Đá, du khách sẽ mất khoảng hơn 1 giờ đi tàu để tới Hòn Nội. Các bạn chỉ có thể tới đây vào khoảng thời gian từ tháng 3 - 9 vì những tháng còn lại là mùa mưa bão nên tàu không chạy.
Hình ảnh có liên quan
Cảng cầu đá
- Bạn bắt buộc phải đặt tour trong ngày, không ở lại qua đêm với giá 350.000 đồng/ người. Tour bao gồm ăn sáng với bánh ngọt và nước suối trên tàu, ăn trưa tại nhà hàng trên đảo, ăn nhẹ trái cây buổi chiều, xe đưa đón, tàu ra đảo, tàu đánh kính xem san hô, đi tham quan hang yến.
- Tới đây, bạn cũng có thể đi tham quan Hòn Ngoại, Hòn Sam cách đó chỉ vài phút đi tàu.

3. Lịch trình chi tiết:
- Tour khởi hành vào 7h30 sáng tại cảng du lịch Sannest. Có 02 loại tàu được đưa vào sử dụng cho tour này, một là tàu gỗ với sức chứa 50 khách và hai là tàu composite với sức chứa 20 khách. Tàu composite có tốc độ chạy nhanh hơn nhưng chỉ dùng để phục vụ khách đoàn. Còn nếu bạn là khách lẻ thì sẽ được đi tàu gỗ. Theo mình thấy thì đi tàu gỗ vui hơn và mát hơn, tuy có chậm hơn tàu composite một tí nhưng nó không ì ạch như loại tàu được thiết kế để đi tour lặn hay tour 04 đảo. Tốc độ tàu gỗ tour này nhanh hơn nhiều và chạy rất êm, do đó thời gian di chuyển được rút ngắn xuống chỉ còn có 90 phút.
Trước khi lên tàu, các hành khách phải đi qua hai khay nhôm có chứa một loại dung dịch khử trùng màu hồng nhạt để tránh mang mầm bệnh lên đảo. Đây là biện pháp để bảo vệ sức khỏe cho chim yến sau khi dịch cúm ở gia cầm bùng phát cách đây vài năm. Các hành khách sau khi ổn định chỗ ngồi và điểm danh danh đủ số lượng sẽ được phát áo phao, nước uống (01 lon yến Sannest và 01 chai nước suối Sanna 300ml), và một bánh mì sandwich kẹp thịt nguội ăn khá ổn.
Nhìn từ xa xa
Ở 2/3 quãng đường đầu biển khá êm, tuy nhiên 1/3 quãng cuối tàu bắt đầu dập dềnh khá mạnh bởi lúc này đã ra khỏi khu vực vịnh Nha Trang, không còn các đảo nhỏ bao quanh để chắn bớt gió và sóng, những ai không quen sẽ dễ bị say. Lúc này trên bầu trời xanh trong đã bắt đầu xuất hiện một vài cá thể chim yến và hải âu bay vòng quanh. Bọn yến thì có màu đen đen, nhỏ chút chéo bay rất mắc cười. Bọn hải âu thì to hơn, nhìn rất múp míp.
Tàu tiến sát cụm đảo và nhắm thẳng hướng Hòn Sam – nơi du khách sẽ dừng chân để tham quan cách yến sinh sống và làm tổ. Xa hơn đó một chút là Hòn Ngoại– đảo có hình cái chóp nón với hang yến tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Tuy vậy không thể đưa đảo này vào khai thác du lịch vì nó rất khó tiếp cận, chỉ có nhân viên canh đảo và nhân viên thu hoạch yến của Sannest mới có thể vào. Hình ảnh hang yến được in trên lon Sannest mà chúng ta thường thấy chính là Hòn Ngoại. Gần hơn, ngay sát bên Hòn Sam chính là Hòn Nội – nơi có bãi tắm đôi đẹp trứ danh. Ngoài ra xung quanh còn có nhiều đảo đá nhỏ rải rác khiến cho tổng thể cụm đỏa đảo nhìn thật hoành tráng và nổi bật.
Nhìn từ trên xuống
Hang Yến ở Hòn Sam có diện tích khá khiêm tốn nhưng laị là hang lộ thiên và có đường đi vào nên rất dễ dàng cho du khách quan sát và chụp ảnh. Vì hang khá hẹp và nhỏ nên phải vào lần lượt từng nhóm 05 người. Nhìn mấy cái tổ bám vào đá thiệt là hay và thiệt là thèm muốn. Ước  gì rinh được hết từng ấy cái tổ về nhà, tha hồ chưng với hột sen, đường phèn ăn cho chống lão hóa, đẹp da hehe Thiệt tình là muốn ngắm nghía chúng nó thêm lâu lâu chút nữa, nhưng ngoái đầu nhìn lại thấy một dãy các du khách cũng đang xếp hàng đứng chờ nên nhanh tay bấm vài shot ảnh rồi rút lui. Các bạn lưu ý khi chụp ảnh ở đây thì nhớ tắt flash kẻo ảnh hưởng lới lũ chim.

Nhân tiện tản mạ một chút về chim và Sannest. Sannest hiện đang khai thác và quản lí 38 đảo yến với 172 hang yến lớn nhỏ. Trong đó đưa vào tham quan 02 nơi là Đảo Yến – Hòn Nội và đảo Đông Tằm (là phía đông của đảo Hòn Tằm. Mặt phía Tây hay còn gọi là mặt trước do tụi Hòn Tằm quản lí và khai thác làm khu dưỡng. Mặt phía Đông hay còn gọi là mặt sau do Sannest quản lí và khai thác yến. Tại đây có một nhà trú đông dành cho chim do Sannest xây dựng). Vào thời điểm 1994, Sannest có tiến hành kiểm đếm số lượng thì chỉ có khoảng 150 ngàn cá thể. Đến năm 2015 thì số lượng này đã tăng lên được hơn 500 ngàn, gấp 03 lần so với 1994. Sở dĩ có được kết quả này là do trong quá trình quản lí, bên cạnh việc khai thác nguồn lợi từ yến thì Sannest cũng tạo điều kiện tốt nhất cho chim phát triển.bằng cách chế tạo ra các lồng áp trứng. Sau khi chim con nở sẽ bắt đầu cho chúng tập ăn, tập bay, đợi khi cứng cáp thả về với tự nhiên.Tính ra chi phí để nuôi một em chim như này là vào khoảng 600 ngàn và mỗi một  năm Sannest thả từ 12 đến 15 ngàn em. Đi thêm tour này còn biết thêm một điều nữa là yến huyết. Yến huyết rất hiếm và chỉ có yến đảo mới có thể tạo ra tổ yến loại này. Hai yếu tố tạo ra màu đỏ  trên yến huyết là do thức ăn và do trên vách đá nơi yến làm tuổi có mạch sắt vi lượng thẩm thấu từ từ tao ra màu đỏ. Yến huyết đảo đúng bài sẽ không đều màu mà có chỗ đậm chỗ nhạt. Còn yến huyết tào lao sẽ có màu đỏ đều và rất đẹp do được ngâm phân ure trong ba tháng hoặc là thuốc nhuộm =)))) Trong số 172 hang mà Sannest quản lí thì chỉ có 02 hang là có khả năng tạo ra yến huyết mà thôi.
Một chòi canh chim yến
Sau khi ngắm chim yến xong thì các bạn có thể dành thời gian để ngắm hải âu. Hảu âu ở đây cực dạn người, trừ khi bạn chạy cái ào tới hù thì nó mới bay đi, không thì bọn chúng cứ bay lởn vởn, lòng vòng xung quanh trêu ngươi, hoặc đứng yên chóc mỏ cho bạn chụp hình. Cảnh tượng nguyên đàn hải âu chao liệng giữa biển trời xanh ngắt đẹp vô cùng tận. Đừng dại dột bỏ qua một background kì vĩ đầy chất drama này, hiếm có lắm vì không phải ở đâu cũng thấy được hải âu.
Chòi giữa bãi tắm

Để thuận tiện cho việc di chuyển của du khách và nhân viên làm việc tại đảo, Sannest xây dựng các tháp canh và cầu thang bằng tre vừa xinh, vừa yêu vừa thân thiện với môi trường và nhất là vô cùng hợp cảnh. Đối với bọn sống bằng câu like FB như mình thì đây chính là thiên đường “so deep” Còn nói về biển thì chao ôi đẹp lắm, đẹp lịm cả tim. Dân biển chính hiệu như mình nhìn còn phát cuồng huống chi mấy bạn ở nơi khác tới, chắc không kìm lòng được  mà nhảy ùm xuống luôn quá hí hí. Màu nước ở đây đẹp cực kì với nhiều tầng độ sâu sâu khác nhau tạo nên vô vàn cung bận của sắc xanh, nơi thì xanh ngọc, nơi thì xanh lam, lắm chỗ lại có màu xanh lục. Thích nhất là nước trong vắt không một tí rác nào, kích thích mắt người nhìn vô đối.
Khu vực nghỉ ngơi

Khu tắm nắng và bơi lội
Từ tàu gỗ lớn bọn mình phải di chuyển vào bến tàu Hòn Sam bằng tàu đáy kính, rồi cũng bằng con tàu này di chuyển sang Hòn Nội. San hô ở khu vực này không đặc sắc cho lắm và cũng không có nhiều sinh vật biển nên mình bỏ qua, không quan sát mấy. Chỉ chăm chăm giơ máy ảnh lên chụp… nước biển. Đẹp quá mà, ai cầm lòng cho đặng!!! Sau khoảng gần 10p thì tàu đáy kính cập bờ – Hòn Nội đây rồi, bãi tắm đôi chưa bao giờ gần hơn thế. Phấn khích tột độ, tim đập loạn nhịp như gái lúc mới yêu.
Bãi biển đôi nằm ở phía Tây Hòn Nôị, trong khi khu vực phía đông là các vách đá cheo leo dựng đứng với vài hang yến và tháp canh của nhân viên Sannest. Toàn đảo có 02 cầu tàu, một cầu tàu đối diện với Hòn Sam dành cho các tàu nhỏ cập và một cầu tàu nằm trong hẻm núi, nơi có độ sâu tốt hơn dành để neo đậu các tàu gỗ cỡ lớn và tàu combosite.
Để quan sát được toàn cảnh khu du lịch và nhất là bãi biển đôi huyền thoại, các bạn phải vượt qua 220 bậc thang chinh phục núi Du Hạ cao 90m so với mặt nước biển. Tại đỉnh Du Hạ, có một ngôi tháp nhỏ thờ Phật (phật gì mình quên rồi huhu, trí nhớ cá vàng các bạn thông cảm) nghe nói là rất thiêng. Tuy nhiên do lúc đó ăn bận không được nghiêm túc lắm nên bọn mình không ghé. Chỉ dừng lại ở khu nhà nghỉ bác giác ở bên dưới đó để chụp ảnh mà thôi. Sau này khi leo xuống rồi mới sực nhớ ra trên đỉnh không chỉ có phật mà còn có cột mốc tọa độ quốc gia nữa cơ, Nha Trang hình như chỉ có 02 nơi có đó là Hòn Nội và Bãi Bàng.


Có 02 lối để leo lên đỉnh Du Hạ, lối đầu tiên dài hơn là con đường có nhiều bậc thang và chòi gỗ ở gần cầu tàu nhỏ, lối thứ hai ngắn hơn là lối đi ngay sát bên hông nhà hàng. Cả hai lối đi này đều có chung điểm đến là ngôi nhà hình bát giác. Vậy nên nếu bạn các muốn quan sát toàn cảnh ở nhiều góc độ thì có thể đi lên ở lối số 01 và đi xuống ở lối số 02. Sau đó nghỉ ngơi rồi ra thẳng nhà hàng ăn trưa luôn là vừa vặn.
Từ đỉnh núi Du Hạ
Từ đỉnh Du Hạ, Hòn Nội hiện lên đẹp ngỡ ngàng, bàng hoàng và ngây ngất. Dù đã xem đi xem lại rất nhiều lần ảnh bãi biển đôi trên mạng nhưng cám giác lúc chạm mặt với nó thật quá chi là xao xuyến. Đẹp ngoài sức tưởng tượng. Trước giờ mình luôn có thói quen trừ hao bớt “độ đẹp” khi xem bất cứ thứ gì qua ảnh, từ người tới cảnh để tránh bị rơi vào trường hợp kì vọng nhiều rồi thất vọng, vì mình biết ảnh thường được edit rất kĩ trước khi upload. Nhưng không, với Hòn Nội, có lẽ phải cộng thêm vì mình thề là máy ảnh dù có pro tới đâu cũng không bắt được hết vẻ đẹp bao la bát ngát của nó. Mình cứ chụp đi chụp lại, chụp tới chụp lui mỗi cái cảnh ấy nhưng mãi mà vẫn không hài lòng vì thấy cứ thiêu thiếu. Cảm giác như là không đủ, không lột tả hết những gì đang diễn ra trước mắt. Tự cảm thấy thật diễm phúc vì mình đã ở đây, vào lúc này, giữa một nơi vô cùng xinh đẹp vào một ngày hè rực rỡ.



(Cavicu TH)

0 comments:

Post a Comment